Nhận định và phục hồi công trạng Nguyễn_Văn_Thành_(quan_nhà_Nguyễn)

Nguyễn Văn Thành là bậc nho tướng, giỏi việc quân, biết dùng người hiền tài,[21] mang phong thái của một bậc chiêu hiền đãi sĩ,[22] việc tài chánh, giao thiệp với ngoại bang, biên soạn hình luật, không gì không làm được, giỏi văn chương, giao hảo với Ngô Nhân Tịnh, có thơ tặng đáp với Lê Quang Định, nhưng sau 1817 thơ văn phần nhiều không thấy hành thế, nay chỉ còn vài tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là bài "Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong" viết bằng chữ Nôm.

"Với những chiến công oanh liệt giúp vua Gia Long khai công và bài văn tế Trận Vong Tướng Sĩ, thêm bộ luật Gia Long, Nguyễn Văn Thành đã ghi tên mình vào lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỉ 18 sang đầu thế kỉ 19, là một văn gia, là một nhà kiêm cả chính trị, pháp luật".[23]

Sách Đại Nam Liệt Truyên còn ghi:[24]

"...Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước."

Năm Mậu Thìn 1868, sau khi nguyên niên được 21 năm, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, Vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền Quân Nguyễn Văn Thành. Sau đây là bản dịch nghĩa Sắc gia ân do dịch giả Lê Xuân Hoàng phụng dịch:

Nhân lúc vận trời đang hưng vượng Hoàng Đế phán rằng:Ta nghĩ công thần là khí tốt của nước nhà, là người có quyền lớn, những việc làm kỳ lạ đều bày ra tốt đẹp, có công và có tội cũng có khi xảy ra. Các quan nhà Châu đều đặt ra tám nghị (điều) còn bên sách Tả truyện thì có mười điều là để khen chê những người có công hay có tội.Trước đây Vọng Các Công Thần là ông Quận Công Thành, NGUYỄN VĂN THÀNH là một người công thần cũ, là con của ông NGUYỄN VĂN HIỀN, là một nhà trung nghĩa đời đời đều có công, đã từng đánh giặc nhiều phen, đánh trăm trận lên đến Đại tướng, chức đến Thượng công.Sử sách còn để rõ ràng. Về triều đại Gia Long, nhân vì người con có tội, mà để lụy cho cha, có dâng biểu lên thì nhà Vua cũng cảm động. Đến triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đem ra xét và đã thi ân tha tội. Trẫm ngưỡng truy vì ta đây thấy chỗ đời trước cũng thương tiếc đến công trạng. Sắc cho đình thần phải hai ba lần xét lại cho rõ ràng, rồi cho lại chức tước đúng như nguyên hàm mà thờ tự.Như thế là đã thi ân nhiều cho ông NGUYỄN VĂN THÀNH được phục chức Vọng Các Công Thần, tước Quận Công, được thờ vào miếu Trung Hưng Công Thần và cho cáo mạng để an ủi linh hồn.Than ôi ! Công lao nặng như đá, không lẽ vì một chút đứa con mà phải bị mất hết, cho nên phải truy lục lại để tỏ rõ là ơn của nhà Vua vậy.Như vậy là đã đối xử một cách rất hậu đối với tướng tài, nhà Vua không quên ơn của người có công, mặc dầu đã qua đời lâu nhưng vẫn như còn sống vậy.Ngày 17 tháng 4 năm Tự Đức thứ 21.